Vì sao không ai giàu quá 3 đời?
Lúc thảo luận, mình có ngồi chung nhóm có hai bạn Trung Quốc. Thấy các bạn nói là bên đó, vẫn có khái niệm “không ai giàu ba họ”, tức giàu cho lắm, ba thế hệ sau thì cũng hết giàu.
Nhưng ở phương Tây, họ giàu đến cả chục thế hệ, cụ thể trong nhóm vẫn có một anh người Ý là thế hệ thứ năm của một tập đoàn sản xuất các sản phẩm cà chua. Vậy Âu, Á có gì khác biệt?
Khi còn học ở HBS, có lần giáo sư đặt câu hỏi, theo bạn, doanh nhân là ai. Rất nhiều quan niệm khác nhau được đưa ra vì học viên đến từ nhiều nước khác nhau, nhiều nền văn hóa khác nhau. Sau đó thì thầy mới đưa ra quan niệm các giáo sư trong trường, thành một quan điểm hay còn gọi là trường phái Harvard về doanh nhân. Nôm na là doanh nhân là người lãnh đạo, có thể làm chủ hay không phải làm chủ, nhưng phải là lãnh đạo doanh nghiệp hay tổ chức có lợi nhuận. Mục tiêu làm ăn là phải có lợi nhuận, nhưng doanh nhân phải lèo lái làm sao đó để không xung đột với đạo đức xã hội.
Doanh nhân phải giải quyết sao cho sự phát triển của doanh nghiệp của mình không gây phương hại đến môi trường thiên nhiên. Doanh nhân phải làm từ thiện xuất phát từ tâm của mình, từ tình đồng loại chứ không phải vì nhu cầu marketing. Và cuối cùng là doanh nhân phải biết chia sẻ với thế hệ sau, về cả tiền bạc lẫn vốn sống, kiến thức nhằm tạo ra một thế hệ doanh nhân mới khi mình chết đi. Các quan niệm khác tuy có khác trường phái Harvard chút ít, song vẫn tựu trung các ý trên. Thành một chuẩn thế giới về doanh nhân.
Nghe xong, lúc đó Tony hoảng hồn, thấy mắc cỡ. Vì mang tiếng là doanh nhân đã lâu, ngày 13/10 nào cũng tổ chức ăn uống hát hò tặng bằng khen treo đầy nhà, nhưng mình đã làm được gì. Chẳng làm được gì cho cộng đồng và chẳng chia sẻ với ai một cách tự nguyện. Bạn bè hỏi, ở Việt Nam, doanh nhân là thế nào. Tony thật sự lúng túng, và nói ở Việt Nam muốn làm doanh nhân không có tiêu chuẩn hay ai cấp phép, nên tụi tao mở công ty hay làm giám đốc thì được gọi là doanh nhân, hoặc đăng ký vào câu lạc bộ doanh nhân nào đó là xong. Đó là tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).
Suy nghĩ lại, vậy nước mình chắc không có ai, hay có mà mình chưa biết. Mười lăm năm đi làm, gặp n người gọi là doanh nhân, mình thấy không ai thỏa hết các điều kiện của chuẩn thế giới như thế cả.
Có người thì làm giàu một cách nhanh chóng nhờ lấy tài nguyên thiên nhiên, chặn dòng chảy của các con sông làm thủy điện, xả nước thải ra sông mặc cá tôm chết sạch. Có người đoạt giải anh hùng từ thiện, quán quân từ thiện nhưng lu loa lên cho cả thiên hạ biết, ghi rõ tên mình hay doanh nghiệp mình lên phong bì, chỉ cho vài triệu đồng nhưng phải bắt những thân phận đáng thương kia phải khóc phải cười phải cám ơn xỉu lên ngất xuống, để quay lên ti vi, để chụp hình lên báo.
Có người có con đường làm giàu bí hiểm, không ai biết làm sao họ giàu vì họ không muốn chia sẻ. Vì cái khôn của người Trung Quốc và các nước Á Đông chịu ảnh hưởng là “cho bạc cho vàng, không ai trỏ đàng đi buôn”, giấu nhẹm bí quyết làm ăn. Bao nhiêu tỷ phú thế giới lúc họ chia gia tài, chỉ để lại cho con vài đồng gọi là, còn tất cả đều đưa vào quỹ từ thiện, trong khi bên ta thì ngược lại. Nhà thường thường bậc trung có hai đứa con thì ông cha bà mẹ cũng cày gần chết để có hai cái nhà cho chúng nó làm của. Còn rất nhiều doanh nhân ở ta thì HẸP NGƯỜI NHƯNG RỘNG MÌNH, bản thân hay con cháu thì phung phí, mua siêu xe, đốt tiền nhưng với đối tác hay người làm thì o ép, kỳ kèo từng đồng, từng xu. Rộng rãi chuyện tiền bạc với con cái, thương hay không thương? Tụi Tây nói vậy là không thương. Vì làm cho nó hỏng. Con cháu Hòa Thân, công tử Bạc Liêu… giờ liêu xiêu đói rách, dù cha ông họ từng tuyên bố là tiền tôi ăn 5 đời chưa hết. Nhưng sao đời thứ 3 lại đã phải chạy xe ôm?
Lúc thảo luận, mình có ngồi chung nhóm có hai bạn Trung Quốc. Thấy các bạn nói là bên đó, vẫn có khái niệm “không ai giàu ba họ”, tức giàu cho lắm, ba thế hệ sau thì cũng hết giàu. Nhưng ở phương Tây, họ giàu đến cả chục thế hệ, cụ thể trong nhóm vẫn có một anh người Ý là thế hệ thứ năm của một tập đoàn sản xuất các sản phẩm cà chua. Vậy Âu, Á có gì khác biệt.
Tony với hai người bạn Trung Quốc bèn đi tìm hiểu tiếp, vô thư viện tìm tài liệu đọc, rồi phỏng vấn bao nhiêu là người. Cuối cùng cũng tạm rút ra được nguyên nhân trong một cổ thư Trung Quốc thế kỷ 15, họ cũng làm thống kê trong cả mấy ngàn năm lịch sử Trung Quốc và châu Á, nên nhóm tạm tin và dùng làm cơ sở nghiên cứu tiếp. Cuốn sách nói về “sức mạnh của sự chia sẻ” (the power of giving). Một người sinh ra, để thành đạt, có 1 PHẦN TÀI, 2 PHẦN ĐỨC VÀ 7 PHẦN PHÚC. Nôm na cái phúc này là cái may mắn, phúc phần của gia đình tổ tiên để lại. Sinh ra có phúc, nó đẹp đẽ khôi ngô lành lặn, nói một hiểu mười. Cái đó sẽ quyết định 70% sự thành đạt. Vấn đề là con người mình không biết cái phúc của mình bao nhiêu, nên con người muốn thành đạt phải tích đức, tức tăng tỷ lệ trong cái room* 20% đó. Phải luyện tài, để đạt tối đa trong cái room 10% còn lại.
Có ví dụ ông Trương ở Hàng Châu, một nhà buôn nổi tiếng thời Đường. Số phận của ông là thương gia, nên thang đo sự thành công là số tiền có được. Phúc của ông là được 100,000 lượng vàng, đó là tới điểm cực đại của đồ thị sự nghiệp của ông. Tức ông nếu chỉ có 50,000 lượng, thì công việc cứ vẫn phát đạt, vì đồ thị vẫn còn đi lên. Nhưng khi ông có 100,000 lượng rồi mà vẫn cứ tích lũy tiếp, thì sự nghiệp bắt đầu xuống dốc. Rủi ro xui xẻo, rồi đau ốm bệnh tật, đủ thứ chuyện cho nó mất dần mất dần, rồi xuống con số 0. Đó là thế hệ thứ ba của ông sẽ phải gánh chịu.
Người phương Tây họ nắm bắt cái này sớm, họ đưa ra giải pháp. Đó là bí mật của nhà giàu phương Tây. Họ chỉ nuôi con nuôi cháu đến 18 tuổi. Rồi tùy đứa trẻ quyết định. Muốn học nữa thì đi vay, của chính phủ hay của gia đình, có hợp đồng luật sư đàng hoàng. Xong ra trường, tụi này cũng cày quần quật như bao nhiêu người khác để trả nợ. Sau một thời gian dài mới vô công ty của gia đình làm, rồi leo dần lên như người ngoài vậy. Nên tụi nó quý trọng đồng tiền. Các tỷ phú phương Tây vì không biết cực đại của cuộc đời mình là bao nhiêu, nên họ chủ động bỏ bớt. Khi đến con số 99,000 lượng, họ cho đi 90,000 lượng vào quỹ từ thiện, chỉ còn 9,000. Số phận của họ lại được tiếp tục 91,000 lượng nữa, nên làm ăn cứ lại phát đạt. Cứ như thế, tới đời con đời cháu, cứ phát đạt hoài. Chưa kể khi cho đi, sức mạnh của sự chia sẻ, PHÚC LẠI TĂNG LÊN, cực đại của họ cao hơn, mức cực đại lần sau sẽ là 150,000 lượng chứ không phải 100,000 lượng nữa.
Đọc xong. Thở dài. Hiểu. Thôi thì “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Thôi giờ lo cho tụi nhỏ, cho thế hệ “Tony con” hưởng một chương trình giáo dục thật tốt đến năm 18 tuổi. Rồi thôi, không để lại một xu. Rồi nó muốn học gì thì học, làm gì thì làm. Nó muốn học tiếp thì vay tiền, ngành học gì thì tùy nó lựa chọn, theo đam mê (passion) và sứ mạng (mission) cuộc đời của nó. Hoặc giả dụ nó muốn đi làm luôn từ năm 18 tuổi cũng được. Siêu xe biệt thự gì thì tự nó làm lấy mới bền vững được.
Mình, mảnh đất bé xinh ở một góc đồi Đà Lạt, cất cái nhà nhỏ ẩn trong rừng thông, bình yên, sáng pha ấm trà Cầu Đất, xong đạp xe đi dạy, truyền cho thế hệ sau những cái mình đã biết. Chiều tưới cây tưới hoa trong vườn, viết thơ, viết văn, đọc sách, đối ẩm với bạn hiền. Chờ trăng lên và gió ngàn vi vút qua đồi thông trước mặt. Hổng biết có làm được không nữa. Thấy cũng khó nhưng ráng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét