Biến tướng trong ngày cúng Táo Quân - Đà Thành Phố

Đà Thành Phố

Tin tuc Da Nang – Bao Da Nang Online, Xem Tin tức việc làm Đà Nẵng trong ngày hôm nay nhanh nhất mới nhất.

Breaking

Home Top Ad

Responsive Ads Here

Post Top Ad

Responsive Ads Here

4 thg 2, 2016

Biến tướng trong ngày cúng Táo Quân

Biến tướng trong ngày cúng Táo Quân

(PGVN)

Chúng ta nên là những người hiểu đạo một cách sáng suốt, không nên cổ súy và hùa theo những thói mê tín dị đoan cổ hủ, lỗi thời. Tín ngưỡng dân gian giúp đời sống văn hóa của chúng ta thêm phong phú nhưng quan trọng hơn cả chúng ta cần phải hiểu giá trị, ý nghĩa thực sự của các ngày Tết, lễ hội để tránh những tư tưởng sai lệch, thiếu khoa học. 
Nguồn gốc của cúng Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam:

Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích “hai ông một bà” là vị thần Đất, thần Nhà và vị thần Bếp. 

Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết tam vị nhất thể (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa vào nền móng là đất.

Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch Thần Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Thần Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi việc hay dở, tốt xấu của mọi người, nên để Vua Bếp “phụ trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể. Cá chép là phương tiện để ông Táo cưỡi về trời. Vào ngày này, sau khi cúng lễ xong, các gia đình đều thả cá chép ra sông hay ra ao. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.

Cúng Táo Quân theo góc nhìn của Phật giáo:

Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ, “ngày 23 tháng Chạp là ngày Tất niên bắt đầu cho kì nghỉ Tết âm lịch giống như các nước theo lịch Dương được nghỉ Tết từ ngày Noel (25/12).

Vì thế nhân dân ta coi đây là ngày “chư thần chầu thiên – các thần về trời, tâu với Ngọc Hoàng một năm làm việc thiện, ác, tốt xấu của gia đình mình. Theo đó, ai làm được nhiều điều lành sang năm mới sẽ gặp nhiều điều tốt, ai làm nhiều điều xấu, sang năm mới sẽ không được may mắn. Thực chất, lễ cúng cá chép là do nhân dân đề ra chứ các vị đã là thần đi mây về gió, thì đâu cần cá chép hay bất cứ phương tiện gì để cưỡi. Vì vậy chỉ nên thành tâm thắp hương cúng lễ. Lễ vật không nên quá câu nệ, có điều kiện thì làm mâm cơm canh, còn không thì thành tâm hoa quả là được.” (1)



Tục cúng Táo Quân dưới sự phân tích của Giáo sư sử học:

Với hơn 52 năm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam, Giáo sư Lê Văn Lan giải thích: Tục cúng Táo quân có hai tầng ý nghĩa. 

Ý nghĩa khởi nguồn của nó là bếp lửa, tượng trưng cho sự ấm áp, no đủ của các tộc người. Sau này, dựa trên các sự tích liên quan đến bếp lửa, dân gian mới sáng tạo ra câu chuyện "hai ông một bà" (thần Đất, thần Nhà, thần Bếp) nhưng vẫn có ý nghĩa mong muốn một cuộc sống no đủ, bếp gia đình lúc nào cũng rực lửa. 

Theo Giáo sư Lê Văn Lan, trong chuyến khai quật khảo cổ học ở tỉnh Hòa Bình từ nhiều năm trước, giáo sư cùng các cộng sự đã phát hiện ra cái bếp của người nguyên thủy cách đây khoảng 10.000 năm với 3 viên đá chụm vào nhau, tạo thành thế "kiềng 3 chân". Sau này, người dân ở các vùng nông thôn Việt Nam vẫn thường bắc 3 viên gạch, hoặc 3 mảnh gốm để làm bếp. Ba viên đá cùng với những hiện vật được tìm thấy chứng tỏ từ thời nguyên thủy, các tộc người đã biết phát huy tinh thần, sức mạnh của cộng đồng bằng việc mang những sản phẩm kiếm được trong ngày về nấu chín rồi cùng nhau thưởng thức. 

Vì vậy, tục cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm trước hết mang ý nghĩa cầu sự no đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ "thần bếp" chuyên cai quản việc bếp núc. Việc cúng lễ này chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình với mâm cơm canh tươm tất, với con cá chép - được coi là phương tiện để Táo quân lên Trời gặp Ngọc Hoàng báo cáo công việc của gia đình mình cai quản trong năm vừa qua, chứ không phải ở nơi thờ chung của cộng đồng như đền, chùa, miếu, phủ. Bởi thế, dù ở tầng ý nghĩa nào thì tục cúng ông Công, ông Táo cũng là nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam cần được giữ gìn và phát huy. (2)

Sự biến tướng của ngày Tết Táo Quân:


Ngày nay người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công, ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ được thưa với Ngọc Hoàng và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi. Đây là việc áp đặt suy nghĩ của con người lên các vị thần. Là những người công tư phân minh vậy mà chúng ta nghĩ có thể lấy vật chất để “lấy lòng” các vị thần mong cho tội trạng của mình nếu có sẽ được giảm bớt khi tâu lên Ngọc Hoàng. Đúng là một sự mê tín, thiếu tính khoa học.

Và chính từ tư duy đầy sự mê tín ấy mà chúng ta tốn bao nhiêu tiền của để mua đồ vàng mã đắt tiền. Từ mũ áo đến hia của ông Công, ông Táo theo kiểu đồ mã đắt tiền tới việc mua cá chép giấy, cá chép thật với giá vô cùng cao trong những ngày cận Tết. Đó là chưa nói đến việc đốt vàng mã với số lượng lớn gây ảnh hưởng tới môi trường.

“Giáo sư Lê Văn Lan cho rằng, việc đốt hàng đống vàng mã, nào quần, nào áo, nào nhà lầu, xe hơi, thậm chí là cả trực thăng trong ngày tết ông Công, ông Táo thể hiện cách hiểu sai, sự biến tướng về tư duy văn hóa. Đó là sản phẩm của tư duy "thị trường", của quan niệm "trần sao âm vậy", cố gắng đốt thật nhiều đồ mã sang trọng để nhận được nhiều lộc, nhiều tiền, được thăng quan, tiến chức.” (3)

Đốt vàng mã chỉ giải quyết yếu tố tâm lý mà thôi. Nếu có lòng thành thì chúng ta chỉ cần để tiền lộc, sau đó xin lộc chi tiêu hoặc lấy tiền đó đi làm việc thiện. Việc ngày càng có nhiều người dân tiễn Táo Quân về chầu Trời bằng những đồ mã đắt tiền một mặt là do người dân chưa hiểu hết giá trị, ý nghĩa của cái Tết đặc biệt này. Mặt khác do tâm lý “bắt chước” thấy người khác sắp lễ thế nào thì gia đình mình cũng làm thế, cho đỡ băn khoăn. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự lãng phí tiền tỉ vào việc đốt đồ mã trong ngày Tết ông Công, ông Táo.

Không chỉ sắm đồ mã đắt tiền hiện nay nhiều người còn nghĩ ra việc mua các loại cá “phú quý” để thể hiện lòng thành của mình khi tiễn ông Công, ông Táo về trời. Như đã đề cập ở trên, Hòa thượng Thích Thanh Từ cũng đã chia sẻ lễ cúng cá chép là do nhân dân đề ra chứ các vị đã là thần đi mây về gió thì đâu cần cá chép hay bất cứ phương tiện gì để cưỡi. Nên tốt nhất chúng ta không cần thả cá chép mà chỉ cần có một bàn lễ nhỏ, đơn giản để tỏ lòng thành kính với các vị thần Táo Quân đã một năm làm việc vất vả và công tâm là đủ. 

Còn nếu vẫn lăn tăn, muốn làm theo truyền thống bao đời nay thì hãy làm cho đúng. Bởi nếu đã không hiểu để làm đúng thì đừng nên làm. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày ông Công, ông Táo là các hồ, sông lớn nhỏ đều đầy túi ni lông ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường sinh thái. Ngoài ra việc ứ đọng túi ni lông trong hồ, sông khiến nước càng ô nhiễm khiến cho cá bị chết. Vậy không hiểu thả cá là việc tốt hay đang gián tiếp sát sinh, tạo thêm một tội nữa trong tội trạng của mình. 

Và nếu bạn thả cá thì hãy thả nhẹ nhàng với tất cả sự chân thành của mình. Bởi tôi đã thấy có rất nhiều người đứng trên cầu rồi vứt cá xuống sông. Nếu không cẩn thận đập vào đá ở bên dưới sẽ khiến cá bị chết. Không những thế, có một số người vì vô minh còn chờ mọi người sau khi thả cá xong sẽ chích điện, bắt cá với số lượng lớn để đem đi bán tiếp. Tuy biết họ làm vậy vì cuộc sống phải mưu sinh nhưng dẫu sao đấy vẫn là những việc làm không đúng. 

Tất cả mọi việc là nhờ thành tâm chứ không phải do mâm cao cỗ đầy mới tỏ lòng thành của mỗi người. Theo đó, mọi phước đức dày hay mỏng mà gia chủ có được là do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà như thế nào. Ngày Tết nào theo tục lệ dân gian cũng chỉ là một hình thức giúp con người bày tỏ tấm lòng của mình tới thiên nhiên cũng như các vị thần trong đời sống. Chúng ta chỉ cần cố gắng sống tốt, luôn làm việc thiện, tránh xa điều ác thì dù có là ai về chầu trời để báo cáo đi nữa thì cũng không lo sợ. Vì trong lòng luôn hợp với đạo nên không sợ bất cứ điều gì. Chỉ cần sống tốt thì tâm cảm thần đâu cần sắm những vật phẩm đắt tiền để mong các vị khoan hồng cho những lỗi lầm đã trót mắc phải của mình trong suốt một năm qua.

Chúng ta nên là những người hiểu đạo một cách sáng suốt, không nên cổ súy và hùa theo những thói mê tín dị đoan cổ hủ, lỗi thời. Tín ngưỡng dân gian giúp đời sống văn hóa của chúng ta thêm phong phú nhưng quan trọng hơn cả chúng ta cần phải hiểu giá trị, ý nghĩa thực sự của các ngày Tết, lễ hội để tránh những tư tưởng sai lệch, thiếu khoa học. Suy cho cùng tất cả mọi hình thức tín ngưỡng văn hóa dân gian đều muốn giúp mỗi người hướng đến cái thiện, rời họa được phúc, có một đời sống bình yên và an lạc.

Nguyễn Linh Chi

Không có nhận xét nào:

BÀI VIẾT MỚI

Dò tìm rò rỉ nước tại Đà Nẵng giá rẻ, xử lý nhanh chóng † 0905 155 119

  - **💧 Dịch vụ siêu âm rò rỉ nước** Tại Đà Nẵng, có các dịch vụ chuyên nghiệp sử dụng công nghệ siêu âm để phát hiện và xử lý các rò rỉ nư...

Blog Archive

728x90 AdSpace

Post Bottom Ad

Responsive Ads Here

Pages