Năm Dậu, 2017, Nói Chuyện Gà - Đà Thành Phố

Đà Thành Phố

Tin tuc Da Nang – Bao Da Nang Online, Xem Tin tức việc làm Đà Nẵng trong ngày hôm nay nhanh nhất mới nhất.

Breaking

Home Top Ad

Responsive Ads Here

Post Top Ad

Responsive Ads Here

4 thg 1, 2017

Năm Dậu, 2017, Nói Chuyện Gà

Năm Dậu, 2017, Nói Chuyện Gà

 
 
Vietsciences KCPKT


 

Theo Tử-Vi Á-Đông và phong-tục của người Việt thì mọi người đều hiểu năm “Dậu” có nghĩa là “năm gà,” giống gà được xếp vào hàng thứ 10 trong số 12 giống vật tượng-trưng cho 12 tháng của mỗi năm. Sở dĩ có chuyện 12 con vật trong Địa-Chi hay Thập-Nhị-Chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, và Hợi) là vì theo lời truyền-tụng từ xưa đến ngày nay, Đức Phật triệu-tập đại-hội thế-giới loài vật thì chỉ có 12 con vật tới họp.

Con chuột (tý) khôn-ngoan và lanh-lẹ nên đến được đầu-tiên, con gà (dậu) chậm-chạp đến vào hạng thứ 10, và con heo (hợi) ủn-ỉn chậm-chạp nhất nên đến sau chót, tức là thứ 12.

            
I. Thơ,Tục-Ngữ, và Ca-Dao Liên-Quan Đến “Gà” (Dậu)

            Dưới đây là những câu hò, thơ, tục-ngữ, và ca-dao liên-quan đến “gà” thuộc năm Dậu được viết theo thứ tự A, B, C . . . để mọi người dễ tham-khảo. Theo nguyên-tắc viết thơ, các chữ đầu của các câu thơ, ca-dao, và tục-ngữ đều phải viết hoa nên dù là trước các câu thơ, ca-dao, và tục-ngữ có dấu phết, dấu chấm phết, hay dấu chấm thì các chữ đầu của câu thơ, ca-dao, và tục-ngữ tiếp theo vẫn phải viết hoa. Nếu có dấu “/ ” ở giữa hai câu thơ thì những câu thơ đó thuộc cùng một đoạn thơ, đoạn tục-ngữ, hay đoạn ca-dao.

            Bạn bè thân nhau cho gà trống,/ Đừng phiền nhau xin giống gà mái.  Bìm-bịp bắt gà con. Bới nát đám cỏ gà. Buồn về một nỗi tháng năm, / Chửa đặt mình nằm gà gáy chim kêu. Bút sa gà chết. Bụt trên tòa, gà nào mở mắt. Biếng nhắp năm canh chầy, / Gà đà sớm giục-giã (2 câu thơ trong bài “Đêm Mùa Hạ” của Nguyễn Khuyến).


               Cà kê nghê ngỗng (cà và kê đều là gà, nghê và ngỗng đều là ngỗng). Cất lên một tiếng la-đà, / Cho chim nhớ tổ cho gà nhớ con. Cậu Cai nón dấu lông gà, / Cổ tay đeo nhẫn gọi là Cậu Cai. Chẳng tham nhà ngói bức bàn, / Trái duyên coi bẵng một gian chuồng gà. Chị kia bới tóc đuôi gà, / Nắm đuôi chị lại, hỏi nhà chị đâu? Chiều chiều quạ nói với diều, / Vườn cau kia rậm lại nhiều gà con. Chiều chiều con quạ lợp nhà, / Con cu chẻ củi, con gà quăng tranh. Chim gà cá lợn cành cau, / Mùa nào thức ấy giữ màu nhà quê. Cho hay tiên lại kiếm tiên, / Phượng-Hoàng chẳng chịu đứng chen đàn gà. Chó cậy gần nhà,/ gà cậy gần chuồng. Chó liền da, gà liền xương. Chó giữ nhà, gà gáy sáng. Chó giữ nhà, gà gáy trống-canh. Chớ quen bắt chó mua dê, / Vui cùng hạc nội ham chi gà lồng. Chơi chó, chó liếm mặt, / Chơi gà, gà mổ mắt. Chớp đông nhay-nháy, / Gà gáy thì mưa. Chú vịt chú gà,/ Nhắc võng ông bà,/ Trèo lên núi chiều,/ Giặc thấy đã nhiều, / Chạy như con cút. Chuồng phân nhà, chẳng để gà người bới. Chữ viết như gà bới. Chuyện-trò chưa cạn tóc-tơ, / Gà đà gáy sáng, trời vừa rạng-đông (câu thơ số 3215 và 3216 trong Truyện Kiều của Nguyễn Du). Có chân mà chẳng có tay, / Có hai con mắt ăn mày dương gian (Đây là câu đố trong tục-ngữ phong-giao có nghĩa là “con gà”).  Có duyên lấy được chồng già, / Ăn xôi bỏ cháy, ăn gà bỏ xương. Con cà con kê (cà và kê là gà). Con cóc nhảy xa, / Con gà ú-u. Con công ăn lẫn với gà,/ Rồng kia rắn nọ coi đà sao nên! Con chim trên núi, con gà dưới suối, / Nó gáy giọng chầu đôi chầu ba. Con gà tốt mã về lông,/ Răng đen về thuốc, rượu nồng về men. Con gà con vịt cũng không,/ Bóng tre có mát, ngoài đồng không ai. Con gà cục-tác lá chanh, / Con lợn ủn-ỉn: “mua hành cho tôi.” Con quốc kêu réo trên ngàn, / Gà rừng táo-tác gọi con tha mồi. Con tông gà nòi (tông nghĩa là dòng họ). Cõng rắn cắn gà nhà. Cỗ xôi, con gà. Cơm gà cá gỏi.  Cựa gà sắc không đâm giáp giặc,/ Mẹo bạc gian khó đoạt mưu quân (thơ của Bửu-Văn Phan Kế-Bính).


            Da cóc mà bọc trứng gà,/ Bổ ra thơm-phức cả nhà muốn ăn. Dậy! Dậy! Dậy! / Bên án một tiếng gà vừa gáy (thơ của cụ Phan Bội-Châu).  Đánh con ngựa gỗ chạy xung quanh nhà,/ Những loài gà vịt lánh xa,/ Kẻo mà chẹt cẳng kẻo mà rụng lông. Đã báo rạng-đông, gà sáng  gáy (thơ Đường Bá-Hồ). Đàn bà năm bảy đàn bà,/ Chồng dặn mua gà, đi mua quốc con. Đầu gà má lợn. Đẻ như gà. Đỏ như mào gà.

            Ếch tháng ba, gà tháng tám. / Em về thưa mẹ cùng cha, / Bắt lợn đi cưới bắt gà đi cheo (cheo nghĩa là lễ nộp tiền cho làng về việc cưới xin).

            Gà ăn hơn công ăn. Gà chê thóc chẳng bới,/ người mới chê tiền. Gà cỏ quay mỏ về rừng. Gà con đuổi bắt điều-hâu,/ Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ-nông (bồ-nông: loại chim mình lớn mỏ dài, dưới cổ có bìu để đựng món ăn). Gà con ta để ta nuôi, / Đến mai ta gả con chó cụt đuôi cho mày. Gà cùng chuồng đá lẫn nhau. Gà cựa dài thì thịt rắn, / Gà cựa ngắn thì thịt mềm. Gà đẻ, gà lại cục-tác. Gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua, / Gà trắng chân chì, mua chi giống ấy. Gà gáy canh một hỏa-tai, canh hai đạo-tặc. Gà ghét nhau tiếng gáy. Gà khôn gà chẳng đá lang, / Gái khôn gái chẳng bỏ làng gái đi. Gà mái gáy gở (dở, xấu). Gà mọc lông măng. Gà nào hay bằng gà Cao-Lãnh, / Gái nào bảnh bằng gái Nha-Mân. Gà người gáy, gà ta sáng. Gà nhà lại bới bếp nhà. Gà què ăn quẩn cối xay. Gà què bị chó đuổi. Gà Tò, lợn Tó, vó Vạn Đồn. Gà trống (sống) còn giò. Gà trống nuôi con. Gà tức nhau tiếng gáy. Gà về bới nát cỏ sân, / Mèo buồn lại chạy kiếm ăn ngõ ngoài. Gái một con, gà non một lứa. Giả ơn cái cối cái chày, / Nửa đêm gà gáy có mày có tao. Giả ơn cái cọc bờ ao, / Nửa đêm gà gáy có tao có mày.

          Giặc sợ, giặc chạy về nhà, / Trở ra gọi mẹ mổ gà khao quân. Giết lợn đồ xôi, lại giết gà / Cỗ bàn xong cả từ hôm qua (thơ Nguyễn Bính). (ghi-chú: đồ xôi nghĩa là chưng, hấp, hay nấu xôi). Gió đưa cành trúc la-đà,/ Tiếng chuông Thiên-Mụ canh gà Thọ-Xương. Giun dế ăn gà,/ Cá rô cưỡi ngựa. Gươm gẩy gà xác.

           Hễ bảo quét sân, đánh chết ba gà, / Bảo đi quét nhà đánh chết ba chó. Hoài thóc ta cho gà người bới.

          Kể gà, kể dê, kể ngỗng. Kể lể con cà con kê (gà). Khách đến nhà, chẳng gà thì gỏi. Khôn-ngoan đá-đáp người ngoài, / Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.       Không tre mà có măng mọc, / Không trâu cày mà có tiếng hò-reo. / Không chó có tiếng cắn theo, / Không gà có tiếng ra chiều gọi con (Đây là câu đố trong tục-ngữ phong-giao có nghĩa là “cái áo”).  Không như mọi Tết, người mua quà, / Chỉ mua pháo nổ với tranh gà (thơ Nguyễn Bính).

         Lao-xao gà gáy rạng ngày, / Vai vác cái cày, tay dắt con trâu. Lóng canh gà vừa mới gáy tan, / Chủ đã gọi thằng chăn vội-vã ( 2 câu trong bài thơ “Trâu Kể Công-Trạng Mình” trong tác-phẩm Luc-Súc Tranh Công).  Lờ-ngờ như gà mang hòm. 

         Mã-đề dương-cước anh hùng tận, / Thân-Dậu liên-lai kiến thái-bình. Máu gà thì tẩm xương gà, / Máu gà đem tẩm xương ta sao đành! Măng non nấu với gà đồng, / Chơi nhau một trận xem chồng về ai. Mặt tái như gà bị cắt tiết. Mâm xôi nuốt trẻ lên mười, / Con gà, be (chai) rượu nuốt người lao-đao. Mẹ gà con vịt.  Mẹ gà con vịt chít-chiu, / Mấy đời dì ghẻ thương yêu con chồng. Mẹ gà đi chợ, / Con ở lại nhà,/ Vịt lén tới nhà,/ Cắp gà con chạy,/ Gà về thấy vậy,/ Đuổi vịt khắp nơi,/ Mổ đánh tơi-bời,/ Vịt nhoi xuống nước. Mình rằng: “Mình muốn lấy ta,”/ Ta đi xuống chợ mua gà xem chân.

Mịt-mù dặm cát đồi cây,/ Tiếng gà điếm nguyệt dấu giầy cầu sương (câu thơ số 2029 và 2030 trong Truyện Kiều của Nguyễn Du) Mong chồng, chồng chẳng xuống cho, / Đến cơn chồng xuống, gà o o gáy dồn,/ Cha mẹ con gà kia sao mày gáy dồn, / Mày làm cho ta mất vía kinh-hồn về nỗi chồng con.  Mỗi lần nắng mới hắt bên sông, / Nghe tiếng gà trưa gáy não-nùng, / Lòng gởi(gửi) buồn theo thời dĩ-vãng, / Chập-chờn sống lại những ngày xuân (thơ Lưu Trọng-Lư).  Một thương tóc bỏ đua gà, / Hai thương ăn nói mặn-mà có duyên. Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa. Mùa hè đang nắng, cỏ gà trắng thời
mưa. Muối kia đổ ruột con gà, Mẹ mình không xót bằng ta xót mình. Mười ba trăng lặn gà kêu,/ Mười bốn trăng lặn, gà đều gáy tan. Mướp non nấu với gà đồng. 


         Năm Ất-Dậu (1945) tháng ba, con nhớ mãi, / Giống Lạc-Hồng cực trải lắm đau-thương! / Những thây ma thất-thểu đầy đường, / Rồi ngã gục không đứng lên vì đói! / Đói tự Bắc-Giang đói về Hà-Nội, / Đói ở Thái-Bình đói tới Gia-Lâm (Thơ của Bàng Bá Lân).  Nếm muỗng đường om, mùi thơm vị ngọt, / Qua thương-nhớ bậu (vợ) thức trót canh gà.
       Ngàn đông khói lẫn lạc-hà, / Giọt mưa cổ-thụ tiếng gà cô-thôn (2 câu thơ trong bài “Thuyền Ngược Dòng Sông Lam” của Nguyễn Huy-Hổ). Ngẩn-ngơ như chú bán gà, / Tiền rưỡi chẳng bán, bán ba mươi đồng. Ngây-ngô như gà cồ, lờ-đờ như đom-đóm đực. Ngủ-gà ngủ-gật. Những là đo-đắn ngược xuôi, / Tiếng gà nghe đã gáy sôi mé tường (câu thơ số 865 và 866 trong Truyên Kiều của Nguyễn Du)

      Nhà bay chết lợn, toi gà, / Năm ba ông cống đến nhà ngày mưa. (ghi-chú: ông cống có nghĩa là người đỗ thi-hương hay cử-nhân).   Nhác trông lên, trăng đã xế-tà, / Đêm hôm khuya-khoắt con gà đã gáy sang canh. Nhất phao-câu, nhì đầu cánh. Nổi da gà. Nuôi gà phải  chọn giống gà, / Gà ri bé giống nhưng mà đẻ mau, / Nhất to là giống gà nâu, / Lông to thịt béo về sau đẻ nhiều, / Gà nâu chân thấp mình to,/ Đẻ nhiều trứng lớn con vừa khéo nuôi. Nửa đêm gà gáy o o, / Tao ngủ không được, tao bò tao chơi. Nửa đêm gà gáy o o, / Của dì dì
giữ, ai bò mặc ai. 

 
        Ông nói gà, bà nói vịt. 

 
       Phượng-hoàng đậu chốn cheo-leo,/ Sa-cơ thất-thế phải theo đàn gà.

     Quả thị trả bà, / Con gà trả ông, / Con công phần tôi. Quạ thấy gà thì đớp.

      Ráng mỡ gà thì gió, / Ráng mỡ chó thì mưa, / Ráng mỡ gà, ai có nhà phải chống (ghi-chú: ráng nghĩa là đám mây phản-chiếu bóng mặt trời về tảng-sáng hay xế-chiều),/ Cỏ gà màu trắng, điềm nắng đã hết, / Mùa hè đang nắng, có gà trắng thì mưa. Rễ cây trắng, cỏ gà trắng: trời sắp mưa. Rung-răng rung-rẻ,/ Dắt trẻ đi chơi,/ Đến cửa nhà trời,/ Lạy cậu lạy mợ,/ Cho cháu về quê,/ Cho dê đi học,/ Cho cóc ở nhà,/ Cho gà bới bếp.

      Ta về ta rủ bạn ta, / Nuôi lợn nuôi gà cày-cấy ta ăn. Thả đỉa ba-ba,/ Làm ngỗng làm gà,/ Làm voi làm gấu,/ Làm anh cá sấu,/ Làm chị ễnh-ương. Thứ nhứt Thế-Đức gan gà,/ Thứ hai Lưu-Bội, thứ ba Mạnh-Thần. Tí hầu mày liệng cho tròn, / Đến mai ta gả gà con cho mày. Tiếc con gà quạ tha. Tiền trao ra, gà bắt lấy. Tiếng gà nghe vọng đêm thâu, / Giật mình ngỡ tiếng còi tầu năm xưa (thơ Nguyễn Bính). Tiếng gà văng-vẳng gáy trên hom, / Oán-hận trông ra khắp một chòm (2 câu thơ đầu trong bài “Tự-Tình” của Hồ Xuân Hương). Tiếng gà gáy rụng trăng đầu hạ, / Tôi hoảng-hồn lên, giận sững-sờ (thơ Hàn Mặc Tử). Tiếng gà xao-xác gáy mau, / Tiếng người đâu đã mé sau dậy-dàng (câu thơs số 1123 và 1124 trong Truyện Kiều của Nguyễn Du) Tóc em buông thả đuôi gà, / Miệng em ăn nói mặn-mà có duyên. Tội vịt chưa qua, tội gà đã đến. Tuổi Dậu con gà vàng lông,/ Có mỏ có mồng, sáng gáy o o! Trả ơn cái cối cái chày, / Nửa đêm gà gáy có mày có tao. Trai thấy gái lạ như quạ thấy gà con. Trời làm một trận
phong ba, / Chồng tôi như đứa bán gà chợ phiên.

      Vào vườn xem vượn hái hoa, / Xem voi đi guốc, xem gà nhuộm răng. Vắng chủ nhà, gà bới bếp. Vắng chúa nhà, gà mọc đuôi tôm. Vật ngon đâu đến thứ ba, / Những trâu hạ địa cùng gà chết-toi. Vịt già, gà to. Vịt răn, gà cúp chớ nuôi. Vừa bằng con gà trống đỏ, thò-lõ trên cây (Đây là câu đố trong tục-ngữ phong-giao có nghĩa là “bắp chuối”). Vừa bằng quả cà, trong da ngoài nạc (Đây là câu đố trong tục-ngữ phong-giao có nghĩa là “cái mề gà”).  

     Xám gan gà. Xỉa cá mè,/ Đè cá chép,/ Chân nào đẹp,/ Đi rao men,/ Chân nào đen,/ Ở nhà làm gà làm chó. Xoắn ruột gà.  Xui trẻ ăn cứt gà.


II. Đời-Sống của Loại Gà

1. Thân-Thể và Cuộc Sống của Gà
  


    Các giống vật đều có hai loại là đực và cái; riêng đối với gà, người Việt ta gọi con gà đực là gà trống hay gà sống và gọi con gà cái gà mái. Gà trống thì ít mà gà mái thì nhiều. Thường trong một đàn gà do người ta nuôi thì trong đó người ta chỉ nuôi có một con gà trống và khoảng mười con gà mái. Chính vì thế mà giống gà là giống đa-thê nhưng không có hành-động đánh ghen. Mỗi ngày, chú gà trống có thể làm tình tới mười lần với mười con gà mái khác nhau.

    Gà là giống vật có hai chân, có hai cánh, và có lông vũ che-phủ toàn-thân như các loài chim. Mắt gà thì tròn, nhỏ như hạt đậu đen, và không có lông mi. Hai mắt của đầu gà không nằm cùng trên một mặt ở gần trán như mắt người hay mắt chó mà mỗi con mắt của gà lại nằm riêng-rẽ ở phía trên mỗi bên má. Chính vì thế mà khi nhìn, gà thường lắc đầu bên này qua bên kia và bước lên theo hình chữ chi (z). Gà không có vành tai, nhĩ-quản của gà rất ngắn và được bảo-vệ bằng lông và một miếng da. Tuy-thế, thính-giác của gà thật hữu-hiệu đặc-biệt để tránh các cầm-thú săn đuổi. Khi gặp nhiệt-độ cao và nóng, gà thường há rộng mỏ, thở gấp-rút, duỗi cánh, và uống nước cho  mát. Tuy có hai cánh nhưng khả-năng bay của gà không được tốt như các loài chim khác.

Mỗi chân gà có bốn ngón với móng chân rất sắc và nhọn dùng vào việc đào đất, bới đất, và cào cỏ để tìm đồ ăn. Mỏ gà rất cứng và nhọn. Trong mồm gà không có răng. Gà rất dễ tính về việc ăn uống. Gà thích ăn thóc, gạo, rau, cỏ, trái cây, con dế, con gián, con cào-cào, con châu-chấu, con mối, và con giun. Gà rất ham ăn-vặt nên suốt từ buổi sáng đến tận buổi tối gà thường chăm-chỉ và tha-thẩn đi tìm thức ăn.

    Gà rất điều-độ về việc thức ngủ, khi vừa mới tối, gà đã rủ nhau về chuồng đi ngủ; khi bắt đầu sáng, đàn gà đã thức giấc và gà trống thì gáy o! o! Gà chỉ ngủ theo cùng đàn ở nơi quen-thuộc và an-toàn. Gà sợ nhất rắn hổ-mang và mùi của củ hành hay lá hành. Vì thế mà gà có đời sống rất thoải-mái.

    Đời sống của gà rất nhởn-nhơ vì chúng vô-tâm, tức là không để ý. Tuy-nhiên, vào năm Giáp-Thìn (257) trước Tây-Lịch đời  Thục-An-Dương-Vương tại Âu-Lạc (tên nước Việt dạo đó là), có con gà yêu-tinh (Bạch-Kê-Tinh, gà trắng sống ngàn năm hóa thành yêu-tinh ở núi Thất-Diệu) đã cùng lũ ma-quái trên núi Thất-Diệu phá-hoại việc xây-dựng thành Cổ-Loa tại làng Cổ-Loa, huyện Đông-Anh, tỉnh Phúc-Yên trên đất Việt-Thường ở phía tây thành Hà-Nội lúc bấy giờ. Cứ mỗi lần xây-đắp thành gần xong thì thành bị sụp đổ ròng-rã trong bao ngày tháng. Rất may có Thần Kim-Quy (con rùa vàng) đến giúp nhà vua tiêu-diệt gà yêu-tinh và lũ ma-quái để hoàn-tất việc xây Thành Cổ-Loa.

    Tuổi thọ của gà rất khó đoán vì tùy-theo chủ-nhân, gà có thể sống lâu hay bị giết khi người ta cần ăn thịt gà. Theo kinh-nghiệm nuôi gà, người ta thấy khi gà mái lớn lên được sáu tháng thì bắt đầu đẻ mỗi ngày một trứng. Đến khi đẻ được khoảng 12 trứng thì gà mái bắt đầu ấp trứng. Sau khi gà mái ấp trứng gà được khoảng 21 ngày thì gà con bắt đầu chui ra khỏi vỏ trứng. Sau khi chui ra khỏi vỏ trứng, các gà con trông rất giống nhau và hay đùa nghịch như chơi trốn tìm dưới cánh của gà mẹ. Gà mẹ ấp-ủ đàn gà con bằng cách xù lông rã cánh che-chở cho đàn gà con. Khi thức giấc, đàn gà con lẩn-quẩn kiếm mồi bên chân mẹ.   

 
          
              Ở Việt-Nam, có nhiều vùng chuyên nuôi gà mái để gà mái đẻ ra nhiều trứng rồi cho ấp ra gà con mà nuôi; sau đó, khi cần thì người ta giết gà để ăn thịt. Nhiều người nuôi gà đã có kinh-nghiệm chỉ nhìn quả trứng là biết trứng đó sẽ nở ra gà trống hay gà mái. 



Nếu một đầu quả trứng gà mà nhọn thì bảo-đảm sẽ nở ra gà trống và nếu quả trứng nào tròn-trịa, tức là quả trứng đó không có đầu nào nhọn thì sẽ nở ra gà mái. Có nhiều gia đình nuôi gà chỉ để gà đẻ trứng rồi dùng trứng gà để làm đồ ăn. Sau khi gà đẻ trứng rồi, người ta lấy trứng đem ấp trong lò ấp nhân-tạo rất tiện-lợi. Sau khi ấp trứng gà được vài ngày thì trứng đó được gọi là “trứng gà lộn.” Trứng gà lộn này rất được những người nghiện rượu ưa-thich dùng làm đồ ăn để  nhậu rượu. Thường-thường người dân Việt hay ăn “hột vịt lộn” chứ không ăn “trứng gà lộn.” Tuy-nhiên vẫn có một số trong những người nghiện rượu thích ăn “trứng gà lộn.”

    Nhiều người nuôi gà để ăn thịt. Với thịt gà, người ta có thể làm được nhiều món ăn ngon như: gỏi gà, gà quay, gà kho sả, gà luộc, gà nướng lá chanh, gà hấp muối, gà hầm thập-cẩm, gà rim nước dừa, gà nấu tiêu, gà chưng cách thủy, gà tiềm, phở gà, miến gà, bún gà, mì gà, hủ-tíu gà, gà rút xương bỏ lò, và gà nhồi thập-cẩm, v.v.

Vào ngày Tết ta, dân Việt rất thích ăn xôi với thịt gà và tổ-chức chọi gà để được hưởng vui-thú. Gà ở quê ta rất ngon, nhất là vào tháng tám ta vì đã được chứng thực bằng câu tục-ngữ “ếch tháng ba, gà tháng tám.” Tháng tám ta là tháng gặt lúa nên gà tha-hồ ăn lúa mới; vì thế, thịt gà rất ngon. 

    Người ta còn nuôi gà để làm đồ cúng-bái trong dịp Tết, giỗ gia-tiên, và dùng con gà giò còn sống để cúng lễ mở cửa mả. Người ta dùng con gà trống lớn để cúng thần-linh khi người dân muốn làm lễ thề-thốt. “Gà, xôi, trầu, và rượu” là 4 lễ-vật tối-thiểu để cúng thần-thánh.

    Người ta dùng gà để chữa bệnh bằng cách làm thịt con gà ác (giống gà lông trắng da đen) đem nấu với sâm, đương-qui, và nhãn-nhục, v.v. để làm thuốc bổ gan, mát tì, và mát vị chữa cho người có bệnh. Người ta dùng cả xương, thịt, lông gà, và máu gà để giã nát rồi trộn và nấu với các vị thuốc gia-truyền để trị bệnh xương cốt cho mau lành như đã nói trong câu tục-ngữ: “chó liền da, gà liền xương.” Tóm lại là người ta dùng xương gà để trị bệnh đau xương hay gẫy xương của người và dùng gan gà để trị bệnh về mắt như bị mờ quáng. Trứng gà cũng được dùng để chữa bệnh bằng cách khuấy đều lòng trắng và lòng đỏ của trứng gà trong nước dấm gạo (dấm chế biến từ gạo) tạo ra dung-dịch dấm trứng để cho người thấp khớp (khớp xương), người già, và người có bệnh uống chung với mật ong mỗi sáng khi bụng còn đói, uống từ 5 đến 7 ngày, để cho phục-hồi sức-khỏe. 
 


    Người ta dùng phân gà để bón cây và dùng lông gà để làm chổi lông gà quét bụi trong nhà.

      Người Việt ta còn dùng gà để bói (kê bốc). Người ta dùng gan gà, đầu gà, mật gà, phổi gà, xương gà, và trứng gà để bói. Tùy theo mỗi nơi người ta ấn-định thế nào là tốt và thế nào là xấu trước khi giết gà đem lễ để bói. Thêm vào đó, người ta còn dùng tiếng gáy của gà để bói nữa. Thường thường gà gáy sáng thì tốt và gáy vào buổi chiều thì xấu cho gia-đình.

    Vì gà nổi tiếng trong nhiều phạm-vi, ngày xưa đã có cơ-quan chính-quyền đúc đồng tiền có hình con gà ó cắn con rắn (gà ó là gà có lông như chim ó). Các cụ ta gọi đồng bạc này là “kê-ngân.” Trong dịp Tết ta, người Việt rất thích mua các bức tranh con gà vì tranh con gà được vẽ rất nhiều trong dịp Tết. Trong bức tranh gà, người ta không vẽ gà trống mà chỉ vẽ gà mẹ đang ấp-ủ 10 gà con rất đẹp và có ý-nghĩa.

    Những nơi đã nuôi gà nhiều nhất ở trên thế-giới vào khoảng 2000 năm trước Tây-Lịch là: Trung-Hoa, Việt-Nam, Ai-Cập (xây lò ấp trứng gà rất lớn, mỗi lần có được từ 15 đến 20 triệu con gà con nở ra), Ấn-Độ, Miến-Điện, và Phi-Luật-Tân.

      Người Pháp rất thích ăn thịt gà. Trước kia, chính phủ Pháp đã chọn con gà trống làm quốc-huy. Người Bắc-Mỹ đã từng kỹ-nghệ-hóa việc nuôi nhiều giống gà tốt nhất. Chính vì thế mà thị-trường tiêu-thụ thịt gà ở Bắc-Mỹ lớn nhất trên thế giới.

2. Gà Trống:  


Gà trống trông oai-vệ và rất đẹp trai vì có lông dài mướt, óng-ả, và nhiều màu sắc. Thêm vào đó, gà trống còn có cái mào đỏ-chói trên đầu, có đuôi dài và xòe rộng, có cái bầu-diều hay diều gà ở cổ (diều là cái bíu hay cái bọc chứa đồ ăn ở ngay dưới cổ của một vài loại chim), và có cựa gà ở mỗi chân. Chính nhờ đôi cựa gà này mà loại gà trống được nổi tiếng qua việc chọi gà trong dân-gian.

Gà Trống còn có một điểm rất đặc-biệt khiến người dân Việt ở thôn-quê coi gà trống giống như cái đồng hồ vì tiếng gáy “o! o!” của gà trống rất đúng giờ, nhất là “gà đà gáy sáng trời vừa rạng-đông” (câu thơ số 3216 trong Truyện Kiều của Nguyễn Du). Tại rất nhiều làng thôn ở quê người Việt chúng ta, dân quê vẫn nhờ tiếng gà gáy, nhìn ánh nắng, nhìn mặt trăng để ước-lượng thời gian.  Chính vì thế mà gà trống lúc đầu được nuôi để làm vật tôn thờ vì nó biết gáy sáng. Tuy-rằng gà trống là loại đa-thê, dê-xồm, và kiêu-ngạo nhưng đó là điều rất nhỏ nếu so-sánh với 5 điều rất lớn và đáng ca ngợi của nó. Đó là 5 đức-tính lớn: văn, võ, dũng, nhân, và tín. Lý do là đầu gà trống có mào hay mồng giống như đội mũ, đó là văn; chân gà trống có cựa sắc-bén như gươm-giáo, đó là võ; thấy quân-thù, gà trống liền xông-vào đá và mổ, đó là dũng; khi kiếm được đồ ăn gà trống bèn gọi bạn-bè, gà mái, và gà con đến ăn, đó là nhân; và ban đêm tới giờ sáng, gà trống gáy cầm canh đúng giờ, đó là tín.
 
3. Gà Mái: 


Gà mái thì có vẻ nhã-nhạn và khiêm-nhường. Lông của gà mái thì màu vàng và lấm-tấm đen. Dầu gà mái cũng có mào gà màu đỏ nhưng rất nhỏ. Gà mái có đuôi ngắn hơn gà trống và không có bầu diều ở cổ. Gà mái gáy “cục-cục, cục-ta cục-tác,” gà con thì kêu “chíp chíp chíp.” Gà mái rất bận-rộn vì phải tìm đồ ăn, đẻ trứng, ấp trứng, và săn-sóc gà con. Chỉ có gà mái trông nuôi đàn con còn gà trống thì không để ý đến. Mỗi sáng, gà mái lấy mỏ rỉa lông làm dáng.
 
III. Các Danh-Từ Liên-Quan tới Gà”


    Trước đây ở trong nước, người Việt ta có các danh-từ liên-quan đến tên “gà” và các tên để gọi các loại gà.

1. Những giống-vật hay sự-vật mang tên “gà”: gà lôi (chim trĩ), gà-mờ (không biết rõ hay biết mập-mờ), gà nước (loài chim sống ở đồng-ruộng có hình dạng giống gà), gà đồng (con ếch),
 
2. Tên những giống gà: 

gà gô hay gà đa-đa (gà sống ở chỗ đồi núi ít rậm-rạp), gà nhà (các loại gà thường được nuôi trong vườn hay ruộng), gà cồ hay gà tồ (gà cồ là thứ gà to khờ-khạo và có ít lông), gà ô (gà có lông đen tuyền), gà xám ô (gà có lông xám đen), gà chọi hay gà đá (gà cao lớn, chân dài có cựa, đá giỏi, nuôi để chọi nhau), gà giò (thịt luộc rất mềm và ngon quá thể ), gà nòi (gà nòi là thứ gà  giống tốt và to con do người ta nuôi để chọi để đá thật giỏi), gà rừng (gà sống trong rừng và cao-nguyên hoang-dại), gà thiến (gà bị thiến  hay bị hoạn, trông béo tròn), gà ác (giống gà nhỏ con lông trắng da đen, chân chì), gà cỏ (giống gà rừng nhỏ), gà gáy hay cà cáy (gà còn  được gọi là cà, gáy còn được gọi là cáy; gà gáy hay gà cáy có nghĩa là gà trống kêu từng hồi lúc gần sáng), gà hoa (thứ gà sống tơ không bị thiến), gà hồ (gà ở Đông-Hồ tại Bắc- Ninh), gà kiến (gà nhỏ, lông nhỏ màu đen như cánh kiến), gà kim-tiền hay gà cẩm-kê (gà có lông như lông công và chân thấp), gà mái-ghẹ (gà mái non thích gà trống và sắp đẻ), gà pha (thứ gà chọi lai giống), gà ri (gà nhỏ, chân thấp, lông lốm-đốm), gà ó (gà có lông như chim ó), gà tre (gà nhỏ con, lông có màu sắc rực-rỡ và hiếu-chiến), gà đòn hay gà cù-lự (gà lớn con,  chân to, cẳng bự, cựa mọc không dài nhưng đá rất hăng), gà cựa (gà có cựa dài để đá), gà cựa dao (con gà có 2 cựa mà chủ nhân cột  thêm một loại dao bén nhỏ xíu vào hai cựa để gà đá giết gà đối thủ), gà bướm (gà có sắc lông lốm-đốm đẹp như con bướm), gà bông trích (gà có mồng đỏ như chim trích), gà nhạn (gà có lông trắng như chim nhạn), gà chuối (gà có nhiều màu như vàng, xám, trắng, đỏ, và nâu giống như thân cây chuối lốm-đốm), gà điều (lông đỏ óng-ánh màu nâu sậm), gà lôi (gà to có đuôi xòe tựa đuôi con chim công), 

    Gà còn có tên theo địa phương: gà Cao-Lãnh, gà Bà Điểm, gà Hóc-Môn, gà Kế Sạch, gà Xiêm (Thái Lan), gà Tàu (lông màu nâu da vàng và thịt rất ngon), gà Tây (gà cao lớn, lông đen hoặc lốm-đốm, đầu sần súi, gà trống có bìu đỏ ở cổ, và đuôi có thể xòe rộng như đuôi con chim công), v.v.

     Gà còn có tên theo các danh-nhân và anh-hùng: gà Tiết-Nhơn-Quý, gà Tiểu- La-Thành, gà Triệu Tử-Long, gà Thần-Ô, gà Điện-Quang, và gà Nhựt-Nguyệt.

IV. Thú Chọi Gà


       Nhiều nơi ở Miền Nam nuôi gà để làm gà chọi hay gà đá như ở Cao-Lãnh có nuôi nhiều gà cựa (gà nhỏ con nhưng có cặp cựa dài dùng làm vũ-khí khi chọi gà) nên đã có câu ca-dao “Gà nào hay cho bằng gà Cao-Lãnh, gái nào bảnh bằng gái Nha-Mân.” Còn ở Bình-Dương, Lái-Thiêu, Hóc-Môn, và Bà-Điểm là những vùng nổi tiếng nuôi về giống gà đòn (lớn con hơn gà cựa và chịu-đựng đá chọi lâu hơn từ năm ba giờ đến cả ngày vẫn không sao).


       Muốn cho gà chọi thành công thì phải biết cách nuôi gà như Trang-Tử đã dạy để tạo cho gà chọi có thói quen là khi “nghe thấy tiếng gà khác cũng không cho vào đâu, trông thì tựa như gà gỗ mà thực ra thì đủ các ngón hay để gà khác coi thấy cũng đủ sợ phải lùi chạy.” Lý do chính do Trang-Tử nêu ra là nếu “gà chọi rất hăng, chưa thấy gà khác hoặc mới thấy bóng gà khác đã muốn chọi rồi” thì có thể dễ bị thua.  

  

       Từ trước thời Tây-lịch tới nay thú chọi gà rất thịnh-hành. Người ta chơi chọi gà để hưởng thú đấu-tranh và chơi cờ bạc. Ngày xưa, ngay cả Tả-Quân Lê Văn Duyệt (1763-1832) từ hồi còn trẻ đã rất ưa thú chọi gà. Thời Nhà Lê Trung-Hưng, chọi gà đã trở thành thú tiêu-khiển hằng ngày của giới giàu có, quan-lại, nhất là giới hoạn-quan. Đoan Nam-Vương Trịnh Khải (1783-1786) cũng rất mê thú chọi gà.

Tuy có rất nhiều người ưa thú gà chọi, nhưng có trường hợp vì ham chơi gà chọi mà bị thất bại trong trận chiến như Đức Hưng-Đạo-Vương Trần Quốc-Tuấn đã đề cập: “Cựa gà sắc không đâm giáp giặc.” Hải Ninh Quận-Công cũng bị chết vì mải chơi gà chọi.  
 

--------------


Tài-Liệu Tham-Khảo: 

1. Dương Quảng-Hàm, Việt-Nam Văn-Học Sử-Yếu, Việt-Nam Thi-Văn Hợp-Tuyển, Trung-Tâm Học-Liệu, Bộ Giáo-Dục xuất-bản lần thứ 10 tại Sài-Gòn vào năm 1968.

2. Nguyễn Tấn Long và Phan Canh, Thi-Ca Binh-Dân Việt-Nam, tập 1, 2, 3, 4, Soạn-Giả xuất bản tại Sài-Gòn vào năm Kỷ-Dậu, 1969.

3. Ôn-Như Nguyễn-Văn-Ngọc, Tục-Ngữ Phong-Giao, quyển 1 và 2, Soạn-giả xuất bản tại Hà-Nội vào năm Mậu-Thìn, 1929.

4. Ôn-Như Nguyễn-Văn-Ngọc và Từ-An Trần-Lê-Nhân, Cổ Học Tinh-Hoa, quyển thứ nhất, Thọ-Xuân xuất bản tại Sài-Gòn, 1962.

Không có nhận xét nào:

BÀI VIẾT MỚI

Au_To_Cad 2023 Toàn năng 1 Click kích hoat 500 license.(Luy ý là cài Online)

  Au_To_Cad 2023 Toàn năng 1 Click kích hoat 500 license.(Luy ý là cài Online) Link : (Pass: Cubin@123) https://drive.google.com/file/d/14...

Blog Archive

728x90 AdSpace

Post Bottom Ad

Responsive Ads Here

Pages