Cối quay mới có bát mì…
Ngày trước, ở làng quê xứ Quảng, hầu như nhà nào cũng có cái cối xay lúa được làm bằng tre, đất và cối xay bột bằng đá, hai loại dụng cụ rất thiết thực đối với bà con nông dân miền quê rơm rạ. Hồi đó, chiếc cối xay bột thường bận rộn vào những ngày Tết cổ truyền hoặc nhà có giỗ, chạp và sau mùa gặt.
Hễ ngày mai có đám giỗ thì chiều nay mẹ ngâm gạo cho mềm, đợi khuya đổ vào cối xay để tráng mì lá. Từng chén gạo trắng được mẹ múc đổ vào thớt trên cối đá kèm theo chén nước và tay mẹ cứ quay theo vòng tròn thớt trên của cối đá đều đều.
Chiếc cối còn đây nhưng xay bột mãi là ký ức. Ảnh: THÁI MỸ |
Hết nước, mẹ múc chén khác đổ vào cối, lấy đũa thọc cho gạo theo nước xuống mâm đá nghiền bên dưới. Những hạt gạo được xay nhuyễn, nhẻo ra dòng nước gạo trắng như sữa chảy xuống máng đổ về chiếc thau đựng ở phía dưới. Từng chén gạo ngâm lần lượt được đổ vào cối xay cho đến khi hết, mẹ mới nhóm lửa lò từ những que củi khô đã được chẻ từ trước, để tráng mì cho kịp sáng mai xắt nhỏ, nấu nhưn làm tô mì Quảng đặt lên bàn thờ cúng ông bà.
Tôi thích nhất là thời gian khi những sào ruộng cuối cùng của nhà vừa được cấy xong, bởi giai đoạn này bắt đầu rảnh rỗi, mẹ có thời gian làm mì gạo mới cho cả nhà ăn một bữa đã thèm. Làng tôi ở ven sông Thu Bồn cũng lắm cá, tôm. Để chuẩn bị bữa mì, mẹ dặn: “Đợi mấy ngày nữa hãy kéo bò, làm mì ăn nghe con”. Bò là tiếng của làng để chỉ một loại dụng cụ đánh bắt cá quê tôi.
Đó là một tấm phên được đan bằng nan tre rồi uốn lại như chiếc nhủi cá đồng, chiều rộng chừng 1,5 mét, chiều dài gần 2 mét, chặt nhánh cây duối dại chất đầy vào rồi mang ra thả ven bờ sông để nhử tôm cá vào trú ẩn. Chừng 4-5 ngày, lũ trẻ chúng tôi ra sông tắm táp và kéo bò lên bờ để bắt cá. Ngâm bò càng lâu, tôm cá dưới sông vào càng nhiều nên mẹ dặn “đợi mấy ngày nữa” là thế.
Mỗi lần tráng mì, hễ thấy mẹ xay vừa xong thau bột gạo thì tôi xách giỏ chạy ra bờ sông, cởi áo ùm xuống dòng nước trong xanh, mát rượi. Tuổi nhỏ, thân gầy ốm yếu nhưng tôi cũng ráng sức để kéo bò lên bờ, bốc dỡ hết các cành duối ra để lượm tôm, cá. Tôi thích nhất những chú cá lấu mình hoa, những con cá lác thân dẹp trắng nõn, những chú tôm càng xanh búng nhảy tanh tách trong bò. Bắt xong mẻ bò thì lại cho các cành duối vào, kéo xa chừng chục mét thả trở lại, cột dây chặt vào bụi cây neo cho khỏi trôi.
Tôm, cá được um với dầu phụng và gia vị lan tỏa mùi thơm quyến rũ, làm cả nhà ai cũng thèm ăn. Rau sống được chẻ nhỏ từ những cọng rau muống ngâm nước cong riết và các thứ húng, hành, rau quế mơn mởn trong vườn. Ngon hơn hết là cắt cái bắp chuối chát còn non, xắt nhỏ trộn với rau xanh càng làm bát mì nhưn tôm, cá thêm đậm đà hương vị.
Hồi ấy, hễ nhà làm bữa mì buổi tối không chỉ để cho trong gia đình ăn mà còn mời cả những người bà con, hàng xóm láng giềng thân thuộc cùng thưởng thức cho vui cửa, vui nhà. Bên những bát mì vừa chan nước nhưn nghi ngút khói là những câu chuyện nhà nông, đồng áng rôm rả đến tận khuya, rồi ai nấy mới cầm cây đèn gió soi đường để dò dẫm về làm mấy con chó phát hiện sủa inh ỏi, xua tan màn đêm tĩnh lặng xóm quê. Có hôm, họ mãi mê hàn huyên chuyện điền thổ, cấy cày, đến khi rời ghế bước ra sân cũng là lúc mấy chú gà trống ở phía sau chuồng heo vỗ cánh phành phạch cất tiếng gáy gọi ông mặt trời thức giấc.
Bây giờ, trong những bữa ăn không thiếu các bát mì, bởi sắm một bữa mì không cầu kỳ, không tốn công sức như ngày xưa, không còn kiểu xay bột thủ công bằng cối đá mà chỉ cần ghé chợ mua vài gói bột gạo xay sẵn mịn màng, luôn tiện mua tôm cá, thịt thà, rau sống… từ góc chợ đầu làng.
Bột gạo pha nước khuấy sền sệt rồi tráng mì và nồi nước nhưn cũng được chế biến rất nhanh chóng. Thời buổi công nghệ phát triển ào ào như hiện nay nên ở quê tôi chẳng còn thấy ai dùng cối xay bột nữa mà vẫn có những bữa mì dân dã, thấm đượm mùi vị của miền quê lúa.
Tôi không còn nhớ chiếc cối xay bột hai đai của nhà mình thuở xa xưa và cũng chẳng biết nó đã mất đi từ lúc nào. Bỗng dưng một hôm tôi lại trông thấy chiếc cối xay bột nằm lăn lóc ở góc vườn nhà ngoại, lòng dâng trào bao nỗi nhớ nhung về một thời ăm ắp kỷ niệm đồng quê nhọc nhằn, lam lũ.
Vẫn biết ngày nay đã có công cụ thay thế cho cối xay bột là một quy luật tất yếu của đời sống con người, song trong sâu thẳm lòng mình vẫn vời vợi nỗi nhớ thương về chiếc cối xay bột ngày xưa, nhớ câu mà lũ trẻ thường đố nhau để chỉ cái cối xay bột: “Cô kia con gái nhà ai/ Mình to, họng nhỏ lổ tai đeo tằm?”.
THÁI MỸ - Nguồn: baodanang.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét