ĐNO - “Cuộc đời không ai không có lầm lỡ. Nếu đã lầm lỡ, hãy cho con nơi chôn cất đàng hoàng”, đó là những dòng chia sẻ được các thành viên nhóm “Ba mẹ thai nhi Đà Nẵng” (BMTN) gửi đến những ông bố, bà mẹ vì dại dột đã vứt bỏ máu mủ của mình ở đâu đó sau một lần phá thai hoặc sinh con.
Thành viên nhóm Ba mẹ thai nhi chăm sóc mộ phần cho những sinh linh xấu số ở Nghĩa trang Hòa Sơn. Ảnh: T.T |
Suốt 2 năm qua, trưởng nhóm Đặng Quốc Thịnh (SN 1987, trú quận Cẩm Lệ) cùng các thành viên của nhóm BMTN đã tham gia tìm kiếm, tiếp nhận và chôn cất hơn 400 thai nhi xấu số. Đồng hành với anh Thịnh là các anh chị Kim Ánh, Đoàn Minh Huế, Trần Nu, Đào Thị Cẩm Xuyên, họ cùng chung mong muốn giúp những thai nhi xấu số có nơi an nghỉ đàng hoàng và hỗ trợ những ông bố, bà mẹ lầm lỡ.
“Chúng tôi không chấp nhận được tình trạng nhiều người phá thai rồi vứt bỏ con một cách tàn nhẫn. Tôi đã chứng kiến những em bé được chôn cất qua loa và nhận thấy mình cần phải hành động, cụ thể là lập nên một nhóm chuyên cất bốc, xây dựng mộ phần nhằm mang lại chút tình thương cho những em bé có vòng đời ngắn ngủi này”, anh Thịnh chia sẻ.
Cứ thế, suốt 2 năm, các thành viên đã tổ chức nhiều buổi đi bốc mộ thai nhi và kêu gọi mọi người chung tay, hỗ trợ tìm, cứu những thai nhi bị bỏ rơi. Trong đó, khu vực bãi biển Xuân Thiều, dọc đường Nguyễn Tất Thành và đèo Hải Vân (quận Liên Chiểu) là những nơi họ tìm thấy nhiều sinh linh xấu số nhất.
Bên cạnh đó, nhóm còn lập ra một đường dây nóng và trang Facebook để liên hệ, tiếp nhận thông tin trực tiếp từ những gia đình có thai nhi qua đời. Từ đây, rất nhiều thai nhi được nhóm tiếp nhận và làm thủ tục chôn cất, xây mộ tại nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang).
Ngoài ra, nhóm còn hỗ trợ những sản phụ có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện sinh nở trong suốt quá trình mang thai. Theo anh Thịnh, những người này đa số là sinh viên và người lao động chân tay ở các khu công nghiệp, đời sống vất vả. Tại đây, họ được nhóm hỗ trợ một phần kinh phí để trang trải sinh hoạt, ăn uống, thuốc men trong thời gian thai kỳ. Riêng đối với những trường hợp có thai ngoài ý muốn mà bà mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, nhóm sẽ hỗ trợ chi phí nằm viện và sinh con.
Anh Thịnh cho hay, chi phí trung bình việc cất bốc một ngôi mộ là 1,5 triệu đồng. “Rất may mắn là chúng tôi được nhiều cá nhân, tập thể quan tâm. Điều mừng nhất là chúng tôi được nhiều đơn vị hỗ trợ đất chôn cất thai nhi trên nghĩa trang Hòa Sơn, họ hoàn toàn không lấy tiền”, anh Thịnh nói.
Từ không gian nghi ngút khói hương, giữa những mộ phần bé nhỏ, anh Thịnh chia sẻ tâm niệm: "Mình giúp các bé bằng cả tấm lòng và tình thương của người làm cha, làm mẹ. Các thành viên tham gia đều vui vẻ, thoải mái với mong muốn cuối cùng là giúp các em có nơi yên nghỉ đàng hoàng".
THÙY TRANG
Thế nhưng, cũng chính tại nơi các bé bị bỏ rơi, vẫn có những người ngày đêm thắp từng nén nhang, cúng những bát cơm, che chở cho mộ phần của các bé không bị quạnh quẽ giữa lưng chừng đèo. Gia đình bà Thân Thị Cúc (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) là một trong số đó.
ĐNO - Trên cung đường đèo Hải Vân từ Nam Ô đi Huế, có rải rác những ngôi mộ hài nhi xấu số. Đó là những sinh linh không may bị bỏ rơi trên đèo.
Thế nhưng, cũng chính tại nơi các bé bị bỏ rơi, vẫn có những người ngày đêm thắp từng nén nhang, cúng những bát cơm, che chở cho mộ phần của các bé không bị quạnh quẽ giữa lưng chừng đèo. Gia đình bà Thân Thị Cúc (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) là một trong số đó.
Di chuyển lên đèo Hải Vân từ hướng cầu Nam Ô, khi những vòng xe đã băng qua khoảng chừng 3 cây số từ phía chân đèo, chúng tôi ghé đến quán nước của bà Cúc. Nơi đây là điểm nghỉ chân uống nước của những du khách trên hành trình vượt đèo hoặc gửi xe máy lội bộ xuống làng Vân.
Ít ai biết rằng, một số khoảng đất nhỏ xung quanh quán nước ấy là nơi yên nghỉ của 5 hài nhi xấu số do gia đình bà Cúc tìm thấy và chôn cất. Đó là những em bé không may bị bỏ rơi trên đèo và qua đời, có trường hợp được chôn vội vàng trước khi bà Cúc phát hiện, có trường hợp bị người thân bỏ lại trơ trọi bên vệ đường…
1. Trong số 5 ngôi mộ do bà Cúc chăm sóc, 2 ngôi mộ của “Micky anh” và “Micky em” (tên 2 em bé qua đời do bà Cúc đặt - PV) đã được xây đắp và dựng bia cẩn thận, nằm cạnh nhau và cách quán nước của bà chỉ tầm 10 mét.
“Năm sinh của các cháu cũng là năm mất, cuộc sống của các bé ngắn ngủi quá. Mỗi lần ra thăm mộ, tôi chỉ biết nhói lòng”, bà Cúc vừa nói vừa chỉ cho chúng tôi xem thông tin về năm mất in trên hai ngôi mộ. Trên mộ của Micky anh ghi “năm Nhâm Thìn 2012”, của Micky em ghi “năm Bính Thân 2016”.
Nhớ lại ngày phát hiện thi thể của anh em Micky trên đèo Hải Vân, bà Cúc khẽ thở dài. Bé Micky anh được phát hiện vào một ngày năm 2012 trong tình trạng được chôn sơ sài trên mỏm đất ven đường đèo, trên phần đất chôn có một mảnh giấy ghi vỏn vẹn thông tin ngày sinh.
Micky em được bà Cúc tìm thấy 4 năm sau đó trong một lần đi thắp nhang, khi ấy cơ thể bé đã hoàn toàn tím tái, nằm co quắp trong thùng các-tông với 2 chiếc áo sơ mi gói kèm. Bà phải nhờ người tụng kinh, khâm liệm, xem giờ để chôn cất bé thật đàng hoàng.
“Tôi tìm thấy Micky em khi người ta bỏ rơi bé tại khu đất gần mộ phần đã đắp trước đó của Micky anh. Hai bé đều được phát hiện tại cùng một nơi nên gia đình tôi quyết định chôn cất cho các bé ngay tại đấy, để sau này ba mẹ, người thân các bé có ý định tìm lại con em mình cũng dễ dàng hơn”, bà Cúc chia sẻ.
Khoảnh khắc ôm thi thể tím tái của Micky em đặt xuống đất để chôn cất cứ ám ảnh mãi trong tâm trí bà Cúc suốt những năm tháng qua. Những sợ hãi ban đầu về chuyện tâm linh dường như không còn, thay vào đó là những xúc cảm, là nỗi xót xa cho những đứa trẻ xấu số.
Năm tháng đã đi qua, câu chuyện về ngôi mộ của “anh em Micky” tình cờ lan truyền trên mạng xã hội và lay động những tấm lòng hảo tâm xa gần. Bà Cúc nhớ mãi chuyện người phụ nữ Việt kiều ủng hộ số tiền 3 triệu đồng, nhớ cặp vợ chồng bán nước mía ở Bà Rén (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) tất tả vượt quãng đường gần 100 km để ủng hộ số tiền 200.000 đồng với ước mong các bé có nơi an nghỉ đàng hoàng… Có những số tiền bà Cúc không nhận hết, bà chỉ nhận vài chục nghìn gọi là “mua hoa quả, thắp nhang cho các bé”.
2. Trước quán nước của bà Cúc còn 3 ngôi mộ đắp bằng đất, nằm khuất dưới hàng tre nhỏ. Những ngôi mộ này được bà Cúc phát hiện vào mùa hè năm 2017, đó là 3 em bé xấu số khác bị bỏ rơi cùng một thời điểm.
“Những người bỏ rơi các bé tại đây có lẽ đã nghĩ đến ngày trở lại tìm con em mình. Trên những phần mộ được chôn vội vàng này, có những hình ảnh để “làm dấu”, “đánh dấu” khu vực chôn cất”, bà Cúc kể lại. Với những ngôi mộ này, bà Cúc cho biết sẽ tiến hành sửa sang, xây đắp khang trang trong thời gian tới.
Mỗi lần thắp nén nhang lên những ngôi mộ, bà Cúc chỉ mong nhiều năm sau vẫn còn sức khỏe, để… chỉ đường cho những người cha, người mẹ đi tìm hài nhi mà họ đã dại dột vứt bỏ. Lúc ấy, bà sẽ nắm tay họ, chia sẻ chân tình về tình thân máu mủ, nhắn nhủ để họ biết yêu thương, trân quý cốt nhục của mình.
Trên con đường đèo từ Nam Ô ra thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế), chúng tôi dừng lại trước miếu ông Hổ. Theo những người coi sóc miếu ở đây, xung quanh khu vực này ngày trước có những ngôi mộ hài nhi xấu số do những người dân mưu sinh trên đèo chôn cất. Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, đã có những người thân trong gia đình tìm đến và đưa các bé về chôn cất tại quê nhà.
Chúng tôi mang câu chuyện ấy chia sẻ với bà Cúc, đó cũng là tâm nguyện của bà trong tương lai gần. Bà vẫn mong một ngày nào đó, những đứa trẻ xấu số được trở về với gia đình, dù là trở về trong nỗi hối hận muộn màng của những người cha, người mẹ lầm lỡ… Bà cũng mong rằng, sẽ không còn đứa bé bất hạnh nào bị bỏ rơi nữa.
“Đây là nhà của các con, các con là cháu của bà. Con đói thì vào nhà bà ăn cơm, bà không mắng, không la. Mong kiếp sau các con sẽ là người tốt, có cuộc sống yên vui”, bà Cúc nói trước những ngôi mộ, khi bữa cơm chiều nghi ngút khói được bày ra.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét