BÀI PHÁP VÔ VI CHỈ DẠY VỀ CÁCH TU TẬP
Trong lúc thiền định tĩnh tọa phapchieumt được một vị về dạy bảo cách tu tập, và mình thấy những lời dạy đó rất hữu ích cho mình và chúng sanh, nên mình mới mạo muội lấy hết can đảm để chia sẻ với các đạo hữu hữu duyên. Vì mình biết sẽ có một số ý kiến cho rằng đó là Ma giả dạng thuyết pháp, và một số ý kiến cho rằng đó là bồ tát chỉ dạy. Còn bản thân mình thì không chú trọng đó là ai, mà mình chỉ chú trọng đến lời dạy đó có mang lại lợi ích cho mình và cho chúng sanh hay không, có đúng giáo lý kinh điển hay không, có từ bi bác ái hay không? Vì thế, xin các bạn cũng đừng quá vội tin một cách mê tín, và cũng đừng quá vội phỉ báng mà mang tội khẩu nghiệp. Hãy dùng trí tuệ, cái Tâm từ bi mình quán xét xem lời dạy đó nó có đem lại lợi ích cho mình và những người xung quanh hay không? Sau cùng xin quý đạo hữu hoan hỷ bỏ quá nếu có gì sai xót gi trong bài viết. A di đà Phật!“Con nhớ trụ pháp vào tâm, trụ tâm vào pháp nghĩa là Tâm của con luôn nương theo pháp của con tu để trụ vào vào tâm, để cho tâm con luôn có pháp, không để tâm lăng xăng chuyện đời quá nhiều sẽ làm tâm con loạn động. Con nên nhớ luôn lấy cái pháp mà con đang tu hành để nương vào để mà trụ tâm của con. Mục đích để chi để cho tâm con luôn thanh tịnh an lạc.
Và con nên nhớ mỗi cái pháp mà con đang tu hành đều có công dụng rất màu nhiệm. Ví dụ như khi con tụng kinh, tụng kinh dù nó không đi sâu vào nội tâm như những lúc mình nhất tâm niệm Phật hay niệm chú, nhưng pháp tụng kinh là tập cho mình sự kiên nhẫn, sự nhẫn nại, không nản chí và sự tinh tấn nữa. Những người thích tụng kinh là những người thành công về mọi mặt, trên đường đời lẫn đường đạo. Vì sao vậy vì họ có tính kiên trì nhẫn nại, ngăn nắp, có tính kỷ luật rất cao.
Do đó mỗi pháp đều có công hiệu riêng cho người tu, nhưng đa số người tu thời nay lại chấp pháp, chấp vào phương tiện qua sông mà không thấy rằng vạn pháp do tâm tạo, vạn pháp được sinh ra tùy thuộc vào căn cơ riêng của mỗi chúng sanh. Vì sao chúng sanh chấp pháp như vậy? Vì chúng sanh vô minh không có trí huệ để nhìn rõ bản chất, do chúng sanh đứng trên cái ngã của chính họ, từ cái ngã chấp này họ đánh giá các pháp dựa trên sự hiểu biết của họ, nên có rất nhiều sai lệch về các pháp.
Đa số chúng sanh tu pháp môn nào thì có tư tưởng xem pháp môn mình tu là thù thắng nhất là pháp môn siêu việt nhất trong các pháp môn khác, còn pháp môn khác thì chỉ dành cho hạng căn cơ thấp hơn hoặc là pháp môn tầm thường. Chính vì thế nên chúng sanh mới có phân biệt hơn thua giữa tiểu thừa và đại thừa, mới có phân biệt hơn thua giữa mật tông, thiền tông, tịnh độ tông…Ai cũng cho mình là nhất thì ai là nhì đây? A di đà Phật.Đạo Phật là đạo từ bi, trí tuệ, bình đẳng với tất cả chúng sanh, ai cũng sẽ là một vị Phật tương lai thì làm sao có tranh cãi thị phi, pháp nào hơn pháp nào cả, thị phi chỉ đem phiền não vào tâm mà thôi.
Chúng sanh vô tình tạo tác nghiệp từ thân khẩu ý vốn không thanh tịnh của chúng sanh mà nguồn gốc của sự tạo tác nghiệp này là từ cái NGÃ của chúng sanh mà ra. Ta đang dùng chiếc thuyền (đang dùng pháp) để mà qua sông (đến bờ giác ngộ) nhưng ta cứ mãi đắm mình say xưa ngắm nhìn là chiếc thuyền của ta là đẹp nhất trong các chiếc thuyền qua sông, là to nhất trong các chiếc thuyền qua sông mà ta không có dùng trí tuệ để quán xét mục đích mình lái chiếc thuyền để làm gì, và không có cố gắng nổ lực để mà qua sông thì chỉ cần một cơn giông bão (nghiệp lực vô thường) đến sẽ nhấn chìm ta và cái thuyền kia mãi mãi trôi lăn trong bể khổ luân hồi sinh tử. Vậy thì cái pháp siêu việt nhất hay nhất có ích gì khi ta không qua sông được mà bi chết chìm.
Do đó, từng cái pháp đều có công hiệu riêng cho người tu, con đừng khởi tâm phân biệt một pháp nào cả. Tất cả các pháp mục đích cuối cùng để lắng đọng tam nghiệp thân, khẩu, ý của chính con. Và đó là cái cuối cùng của người tu hành. Khi tâm con lắng đọng thì cái huệ của con sẽ sinh ra nghĩa là trí huệ của con được khai mở. Khi tâm con luôn thường trụ an tĩnh mọi lúc mọi nơi thì lúc đó con đã thành Phật là giải thoát.
Cái giải thoát này rất lâu để đạt đến ta nói để cho con định hướng được con đường tu tập của con và kiên trì nỗ lực tiến tới. Bây giờ con chỉ là đang tập sự, đang tập sự cho tâm lắng đọng, nhưng có tập sự là vui rồi, còn có kết quả hay không là phải dốc lòng, kiên trì, nhẫn nại. Muốn cho tâm lắng đọng đòi hỏi sự kiên trì chịu khó và dốc sức. Mỗi ngày luôn phải nhớ như vậy và phải hành như vậy thì từ từ cái tập sự của mình sẽ có kết quả rõ ràng theo từng chặn đường mình đi. Tương ứng mỗi chặn đường đi qua con sẽ được khai mở từng phần nghĩa là con sẽ giác ngộ từng phần.
Cho dù là con đang tập sự nhưng chỉ cần có lòng kiên trì nhẫn nại thì cái tập sự đó sẽ có kết quả theo từng chặn đường con đi. Mỗi chặn đường nó sẽ đem lại kết quả nhất định cho con, mỗi chặn đường con sẽ gom góp từ từ. Rồi đến khi duyên nó hội đủ từng chặn đường con đi đến lúc đó nó sẽ khai mở tất cả cho con.
Khi tâm con lắng đọng tam nghiệp con sẽ thấy tâm mình hiền từ hơn, lời nói sẽ nhỏ nhẹ ôn hòa hơn và thích nói lời ái ngữ hơn. Những cái sân hận, tham lam, ngã mạn cũng giảm từ từ nhờ lắng đọng lại tâm thức.
Pháp là phương tiện để mình trụ tâm lại, cột tâm lại không cho nó đi lăng xăng nữa. Do đó, mỗi lần con làm xong 1 việc gì đó hoặc nói chuyện xong với ai đó thì con hãy nhớ tiếp tục trì niệm trở lại. Con tập từ từ sẽ thành thói quen, lúc nào mình thấy mình không niêm Phật hay niệm chú mà mình cảm thấy khó chịu là biết mình thành tựu chút ít rồi đó. Còn nếu mà mình quên niệm mà tâm không thấy có gì đó khó chịu hay kỳ kỳ như cảm giác mất cái gì đó thì người đó chưa có thành tựu. Mình chỉ mới đi lòng vòng bên ngoài thôi chứ chưa vào cửa được con à.
Nên cốt lõi của việc tu hành là gì là nhất tâm bất loạn, lằng đọng tam nghiệp. Thấy tâm còn lăng xăng là biết mình chưa đạt được, phải cố gắng bồi đắp thêm nữa mỗi ngày bồi đắp một ít, từ từ mình sẽ gom góp lại thành nhiều. Khi đã nhất tâm rồi thì trí huệ sẽ sinh, khi trí huệ sinh thì sẽ diệt được những nghiệp xấu của mình. Vì sao lại vậy? Vì khi trí huệ sinh thì mình sẽ biết chổ nào mình sai để sửa, lúc đó trí mình nó sáng nó sẽ chỉ đường cho mình đi, mình sẽ thấy được mình còn vướng cái gì để mà sửa. Nếu tu hành mà không sinh trí huệ mình sẽ như người mù, cứ đi trong vô vọng, đôi khi mình không biết mình đi đến đâu nữa, do trí huệ không có thì sao thấy đường để đi.
Khi trí huệ mình khai mở tăng trưởng nghĩa là mình đã giác ngộ từ từ. Sự giác ngộ sẽ có từng thời điểm, như chẳng hạn khi xưa chưa giác ngộ mình sân hận, thì khi giác ngộ mình sẽ biết cái sân hận nguyên nhân do tâm của mình bị lỗi gì do ái hay do tham, hay do dục vọng…Từ đó mình sửa ngay cái nhân đó, mình sửa đến khi mình giác ngộ thì tâm không còn khởi lên một niệm sân hận nào cả. Đó là lúc mình giác ngộ hoàn toàn tức thành Phật. Còn thấy mình còn nóng, còn bực bội nghĩa là mình chỉ giác ngộ một phần, không còn thấy mình nóng gì nữa, không còn khởi nên một niệm nào nữa tức là sự giác ngộ của mình đã thành tựu viên mãn tức thành Phật.
Ta ví dụ thứ hai về sự tham của cải vật chất, nhưng khi xưa chưa giác ngộ mình cho ai cái gì thì mình tiếc lắm, tiếc đứt ruột, tiếc mấy ngày vẫn còn tiếc. Nhưng khi đã giác ngộ hoàn toàn thì mình không còn thấy của cải tài sản đối với mình là quan trọng nữa, vật chất đối với mình là phù du, nó không là gì đối với mình cả, đó là mình đã giác ngộ hoàn toàn. Còn khi mình cho ai mà còn tiếc tiếc thì đó chỉ là mới giác ngộ ½ hoặc cao hơn là 3/4 . Còn rất nhiều trường hợp nữa nhưng ta chỉ phân tích 2 trường hợp thôi để cho con hiểu: mình không còn thấy mình sân hận, mình không còn thấy vật chất là quan trọng đối với mình hay bất cứ những gì ở thế gian thì đó là mình đã giác ngộ hoàn toàn, tức thành Phât.
Ta tóm lại đề đạt được thành tựu đó trong 4 từ:
KIÊN TRÌ, CHÔNG GAI, HY SINH, TỪ BI.
Phapchieumt kính bút.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét